thay khớp nội soi
Trang chủ » Thông tin báo chí
Thông tin báo chí

Bản tin 115 số 143: Kỹ thuật ghép gân từ người cho chết não

VOVGT - 7 tháng, cả nước ghi nhận 80 trường hợp mắc bệnh sởi; số ca mắc viêm não tăng cao; Kỹ thuật ghép gân từ người chết não...là những tin chính hôm nay.

=>> Xem bài viết trên báo VOV GIAO THÔNG QUỐC GIA tại đây.

# Sáng nay (3/8), Bộ Y tế đã tổ chức triển khai Kế hoạch và Ký cam kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” khu vực phía Nam. Tại hội nghị, năm bệnh viện và 5 Sở y tế khu vực phía Nam đã ký cam kết thực hiện nội dung này.
 


7 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 80 trường hợp mắc bệnh sởi
 

# Theo thống kê của bộ Y tế trong 7 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận 80 trường hợp mắc bệnh sởi, rải rác tại 37 tỉnh, thành phố và không ghi nhận ổ dịch sởi nào. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, ở nước ta đã ghi nhận hơn 15.000 ca mắc sởi với hơn 100 bệnh nhi tử vong.

# Bộ Y tế cho biết, số ca mắc viêm não trong 7 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ 2014. Trong đó, số mắc/tử vong do viêm não virus là 495/16 ca, tăng 40 trường hợp mắc và tăng 9 trường hợp tử vong so cùng kỳ năm 2014.

# Bộ Y tế vừa cho phép bệnh viện Trung ương Huế đầu tư xây dựng Trung tâm Sản phụ khoa với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỉ đồng. Trung tâm được xây dựng với quy mô 300 gường bệnh, 8 phòng sinh, 4 phòng mổ, đồng thời có bộ phận thụ tinh trong ống nghiệm.

# Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, đại dịch HIV đã có mặt ở 100% tỉnh, thành phố; 99% quận, huyện trên cả nước. Hiện, có khoảng 260 ngàn người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng.

# Trong 7 tháng đầu năm, Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt hành chính 112 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt 2,1 tỷ đồng, trong đó có 95 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bị xử phạt hơn 1,7 tỷ đồng.

# Học viện Quân y vừa phối hợp với Hội Thấp khớp học Hà Nội tổ chức hội nghị "Cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh xương khớp thường gặp”. Thông tin tại hội nghị cho biết, khoảng 1/5 dân số thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi các bệnh về khớp , tuy nhiên bệnh nhân mắc bệnh thường tự ý mua thuốc về điều trị, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.
 

Kỹ thuật ghép gân từ người chết não


Bệnh viện hữu nghị Việt Đức là bệnh viện đầu tiên ứng dụng kỹ thuật ghép gân từ người chết não cho bệnh nhân bị chấn thương ở tay, chân. Kỹ thuật đã và đang mang đến nhiều cơ hội cho bệnh nhân phục hồi chức năng vận động sau các chấn thương các nặng ở các chi. Phóng viên Trúc Giang có bài giới thiệu về kỹ thuật này.

Năm 2009, anh Phạm Tuấn Tùng 36 tuổi, quê ở Lạng Sơn, khi thi đấu cầu lông bị ngã chấn thương đầu gối, đứt dây chằng chéo trước của chân trái. Sau đó, năm 2011 anh được phẫu thuật tại Bệnh viện 198 của Bộ Công an bằng kỹ lấy gân tự thân. Khi anh phục hồi, Trong một lần chơi thể thao, chấn thương cũ tái phát. Lần này, vào Bệnh viện Việt Đức, anh được phẫu thuật ghép gân từ người chết não. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe phục hồi tốt, hiện đang tập các bài tập phục hồi chức năng để sớm có thể tự đi lại được.
 


Bác sỹ Nguyễn Mạnh Khánh (đứng đầu tiên tính từ trái sang) trong một ca phẫu thuật 
 

Là một trong nhiều bệnh nhân may mắn được thụ hưởng kỹ thuật ghép gân tiên tiến và ưu việt này, anh Tùng vui vẻ cho biết: “Kỹ thuật không xâm lấn lớn và không đau. Thực tế, rất cảm ơn các bác sĩ đã tận tâm và có kỹ thuật cao như vậy, bản thân tiếp tục cố gắng để phục hồi chức năng”.

Thực tế, kỹ thuật ghép gân từ người cho chết não được hình thành từ nhu cầu thực tiễn cấp bách. Theo TS.BS Nguyễn Mạnh Khánh – Viện Phó Viện Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Việt Đức, mỗi tháng có khoảng vài trăm ca bệnh bị đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hoặc dây chằng bên. Nguyên nhân chủ yếu là do nạn nhân bị tai nạn giao thông, bị chấn thương do chơi thể thao.…

Nhu cầu ghép gân rất lớn, nhưng nguồn gân lại hiếm, nên trước đây chủ yếu lấy gân từ chính cơ thể bệnh nhân để ghép. Dù ghép gân tự thân cho kết quả khả quan, nhưng theo TS Khánh, việc lấy gân từ chỗ này, đem ghép đi chỗ khác thực chất là việc hy sinh chức năng ít quan trọng ở vùng này để lập lại chứng năng quan trọng hơn ở vùng khác. Do vậy, ở những trường hợp tổn thương đứt nhiều dây chằng hoặc những tổn thương lặp lại nhiều lần... thì việc lấy gân từ chính người bệnh không đủ để bù vào những vị trí bị tổn thương. Từ đó, bệnh nhân không khỏi bệnh hoàn toàn.

Năm 2008, Bệnh viện tiến hành lấy gân đồng loại từ chân cắt cụt, tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên bộc lộ nhiều nhược điểm như, gân thường dập nát do bị tai nạn, do bệnh lý, nên số lượng lấy được ít. Đến năm 2012 các bác sĩ thực hiện ca lấy gân đầu tiên từ người chết não để ghép cho bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối. Đây là ca ghép gân từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam. Đó là một giải pháp mới hết sức ưu việt. Theo TS Khánh đây là kỹ thuật ưu việt: “Kỹ thuật có nhiều ưu điểm, từ một người chết não có thể lấy được nhiều gân, chi phí giá thành thấp, người bệnh không cần phải hi sinh những phần gân lành để thay thế. Kỹ thuật này người bệnh ít đau, sẹo mổ ngắn, người bệnh nhanh chóng phục hồi nhưng vẫn đảm bảo chức năng vận động”.
 


Đã có gần 20 ca ghép gân từ 4 người chết não
 

Thông thường một người chết não có thể hiến tặng nhiều gân chất lượng tốt, nhiều vị trí có kích cỡ, độ dài đa dạng như gân gót; gân bánh chè; gân trầy sau; gân gấp dài ngón cái; gân mác bên dài. Cứ một người hiến thì có thể cứu được từ 5-6 bệnh nhân khác. Đặc biệt, trước khi ghép, gân được xử và bảo quản bằng tia gamma để giảm thiểu nguy cơ thải ghép. Bởi vì, loại mảnh ghép này chỉ bao gồm các cấu trúc sợi Collagen, không còn tế bào nên bệnh nhân không phải dùng thuốc chống thải ghép. Gân đã được xử lý và bảo quản sẵn trước mổ, nên đủ cho phẫu thuật viên làm lại các loại dây chằng, ghép các với kích cỡ phù hợp với từng bệnh nhân, rút ngắn thời gian cuộc mổ, thể hiện ưu thế vượt trội trong các trường hợp tổn thương nặng.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 20 ca ghép gân từ 4 người chết não. Trong đó, một bệnh nhân đứt 4 dây chằng gối mà nguồn gân tự thân không đủ để tái tạo nên đã dùng gân từ người cho chết não. Sau 3 tháng, bệnh nhân có thể vận động trở lại, không trật xương bánh chè. Có thể khẳng định đây là một kỹ thuật tiên tiến, tăng thêm cơ hội chữa bệnh, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

Giới chuyên gia khuyến cáo, việc ghép gân đồng loại có nhiều ưu việt. Trước hết nguồn gân, xương thay thế dễ tìm theo nhu cầu người bệnh. Thứ hai, người bệnh giảm được gần một nửa thời gian phẫu thuật so với giải pháp ghép tự thân tương ứng giảm thời gian gây mê và thời gian hậu phẫu.
 
Tuy nhiên, khi triển khai kỹ thuật này cũng đang gặp một số trở ngại là BHYT chỉ chi trả một phần nên nhiều bệnh nhân chưa tiếp cận được kỹ thuật tiên tiến này. Dù vậy, ở các nước trên thế giới, một ca ghép gân tốn khoảng 20.000 đến 30.000 USD; còn tại Việt Nam, một ca ghép chỉ ước chừng tầm khoảng 50 đến 60 triệu đồng. Thực tế, có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã quay về bệnh viện Việt Đức để điều trị vì chi phí thấp mà tỷ lệ thành công ngang với các nước trong khu vực.

 KÊNH VOV GIAO THÔNG QUỐC GIA

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ NGUYỄN MẠNH KHÁNH
PHÓ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN
TRƯỞNG KHOA CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH I

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC, HÀ NỘI
Địa chỉ: Tầng 3, nhà B3, Bệnh viện Việt Đức - Điện thoại: 0913.588.199
Lịch khám bệnh Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh: 8h30 - 11h30 sáng thứ 3 hàng tuần, Phòng 16, Nhà C2, BV Việt Đức
Email: ngmanhkhanh@hotmail.com  |  Website: www.thaykhopnoisoi.com  |  Facebook: Nguyen Manh Khanh

http://www.xemayvn.co/

http://www.xemayvn.co/2017/08/nhong-sen-dia-nhong-xich.html